VOV.VN - Hôm nay (7/11), Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị đồng ý chủ trương cho phép xã hội hóa để hồi hương ấn “Hoàng đế chi bảo”.
Theo đề nghị của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, có 2 phương án triển khai việc thương lượng mua lại và hồi hương kim ấn Triều Nguyễn. Thứ nhất, huy động nguồn lực xã hội hóa cho Quỹ Bảo tồn di sản Huế và sử dụng nguồn lực từ Quỹ này để thương lượng với nhà đấu giá Millon (Pháp) nhằm kịp thời mua lại và hồi hương ấn “Hoàng đế chi bảo”. Phương án 2, vận động các tổ chức, cá nhân yêu quý di sản tham gia thương lượng, mua lại chiếc ấn để đưa về nước, góp phần bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản quốc gia. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương và giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao phối hợp, hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên Huế và các tổ chức, cá nhân thương lượng với nhà đấu giá Millon để mua lại ấn “Hoàng đế chi bảo”.
Cuối tháng 10 vừa qua, ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có thư gửi ông Rima Abdul Malak, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Cộng hòa Pháp. Ông Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cũng có thư gửi Tổng Giám đốc UNESCO với nội dung đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa Cộng hòa Pháp và Tổng Giám đốc UNESCO can thiệp để nhà đấu giá Millon đưa chiếc ấn “Hoàng đế chi bảo” ra khỏi danh mục đấu giá cổ vật và tạo điều kiện để phía Việt Nam thương lượng và hồi hương chiếc ấn này.
Được biết, Quỹ Bảo tồn di sản Huế được Chính phủ cho phép thành lập vào ngày 20/10 vừa qua, có cơ chế hoạt động linh hoạt trong việc huy động các nguồn lực xã hội hóa cho công cuộc bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản Cố đô Huế. Do đó, việc huy động nguồn lực cho Quỹ này để thương lượng, mua lại và hồi hương ấn “Hoàng đế chi bảo” là phù hợp.
Hiện ấn “Hoàng đế chi bảo” đang được nhà đấu giá Millon thông báo sẽ đấu giá vào ngày 10/11 tới tại Paris (Pháp). Ban đầu, buổi đấu giá dự kiến diễn ra ngày 31/10 vừa qua, nhưng phía Việt Nam đã bước đầu đàm phán, thương lượng để Millon lùi thời gian tổ chức đấu giá. Kim ấn “Hoàng đế chi bảo” được đấu giá lần này có trọng lượng hơn 10,7 kg vàng, được chế tác vào năm 1823 dưới thời vua Minh Mạng. Đây không chỉ là chiếc ấn vàng lớn nhất, đẹp nhất của Triều Nguyễn mà còn là một cổ vật mang những giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử của Việt Nam trong giai đoạn cận - hiện đại.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Thừa Thiên Huế mong muốn tiếp nhận lại những gì thuộc về Huế, trong đó có cổ vật 'Hoàng đế chi bảo'. Trong thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và liên lạc với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng như Bộ Ngoại giao để tìm hiểu kỹ càng hơn về bảo vật chúng ta đang quan tâm. Thứ hai là làm sao để liên lạc với chủ sở hữu cũng như đơn vị đấu giá để có những giải pháp tốt nhất, đáp ứng tốt nhất mong muốn của Chính phủ, Chính quyền cũng như nhân dân Thừa Thiên Huế”./.