Sáng 7.7, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế về thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực di sản văn hóa trên địa bàn.
20 năm đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo di tích
Luật Di sản văn hóa năm 2001 đã giúp việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa cơ bản bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, có một số bất cập, đặc biệt liên quan đến khoanh vùng bảo vệ di tích.
Bên cạnh Quần thể di tích cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, đến nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 3 quần thể/hệ thống di tích cấp quốc gia đặc biệt là Quần thể Di tích Cố đô Huế, hệ thống đường Trường Sơn (Hồ Chí Minh) đoạn đi qua tỉnh và hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; 89 di tích cấp quốc gia; 94 di tích cấp tỉnh.
Báo cáo Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hải cho biết, trong 20 năm triển khai Luật Di sản văn hóa, Thừa Thiên Huế đã đầu tư tổng số vốn hơn 3.700 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo hơn 100 công trình, di tích lịch sử văn hóa. Trong đó, đối với Quần thể di tích Cố đô Huế, giai đoạn 2010 - 2020 đã tiến hành bảo tồn, tu bổ, phục hồi và tôn tạo hơn 170 công trình, hạng mục công trình. Các công trình này thuộc 84 dự án, bao gồm 68 dự án liên quan đến công tác bảo tồn, tu bổ; 16 dự án liên quan đến nâng cấp, tôn tạo hệ thống hạ tầng.
Tỉnh đã tiến hành lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 gồm: bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa; bảo tồn, tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Thái Miếu; đầu tư xây dựng nhà kho cổ vật - Bảo tàng cổ vật cung đình Huế; Bảo tồn, tu bổ và phục hồi di tích Đàn Xã Tắc; bảo tồn, trùng tu và tôn tạo di tích Khâm Thiên Giám... và triển khai các thủ tục lập Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị đối với các di tích nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế tiếp tục được quan tâm chỉ đạo triển khai đồng bộ. Việc tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử, cách mạng và di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, di tích kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ được tiến hành thường xuyên. Giai đoạn 2011 - 2020, với tổng kinh phí khoảng 49 tỷ 870 triệu đồng đã tiến hành tu bổ, tôn tạo 38 công trình di tích tại các huyện, thị xã và thành phố Huế.
Để tạo cơ sở khoa học, thực tiễn xem xét đưa vào kế hoạch ngân sách và chủ động bố trí, huy động các nguồn lực kịp thời chống xuống cấp cho hệ thống di tích này, qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế một cách tổng thể, đồng bộ, từ năm 2018, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiến hành khảo sát, xây dựng Đề án bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích đã được xếp hạng (nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế) trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.
Xem xét nâng mức đầu tư cho di sản văn hóa được xếp hạng
Mặc dù đã được rất quan tâm và đầu tư, song hệ thống di tích trên địa bàn Thừa Thiên Huế dày đặc, đa dạng, đủ loại hình và đều có giá trị đặc sắc, nên cần nguồn lực rất lớn để bảo tồn và phát huy giá trị. Vì vậy, TS. Phan Thanh Hải kiến nghị “xem xét nâng mức đầu tư cho di sản văn hóa đã được UNESCO đưa vào danh mục di sản văn hóa thế giới, di tích quốc gia đặc biệt để bảo tồn sự toàn vẹn di sản và phát huy giá trị phục vụ công tác đối ngoại văn hóa của Việt Nam”.
“Sửa đổi Luật Di sản văn hóa sắp tới cần xem xét có quy định tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các địa phương trong điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di tích theo hướng vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích vừa gắn với phát triển kinh tế - xã hội”, TS. Phan Thanh Hải góp ý.
Bởi như Quần thể di tích Cố đô Huế là Di sản thế giới có diện tích, phạm vi rộng lớn và có nhiều hộ dân, cộng đồng dân cư địa phương sinh sống ổn định từ lâu. Khu vực bảo vệ đã khoanh vùng gần hết toàn bộ diện tích đất đai tại khu vực, dẫn đến những bất cập, hạn chế trong công tác quản lý đất đai, xây dựng và nhiều lĩnh vực liên quan khác cũng như làm ảnh hưởng đến nhu cầu dân sinh chính đáng.
Huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ Bảo tồn di sản Huế
Đoàn khảo sát ghi nhận, đánh giá cao sự quan tâm, đầu tư của Thừa Thiên Huế cho văn hóa nói chung và di sản văn hóa nói riêng. Trong đó, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết để bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn, gần đây nhất là nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển bảo tàng ngoài công lập; đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích đã được xếp hạng (nằm ngoài quần thể di tích Cố đô Huế)...
Đoàn khảo sát cũng chia sẻ với những khó khăn của Thừa Thiên Huế trong công tác này khi số lượng di tích rất lớn, đủ loại hình, nhưng điều kiện nguồn lực có hạn. Việc Chính phủ cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế là cơ hội để huy động nguồn lực đầu tư cho trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế. Đoàn khảo sát đề nghị Thừa Thiên Huế sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến tổ chức và hoạt động của Quỹ, nghiên cứu để khuyến khích tổ chức, cá nhân đóng góp cho Quỹ cũng như quản lý, sử dụng quỹ hiệu quả.
Đặc biệt, Đoàn khảo sát băn khoăn khi Thừa Thiên Huế chưa có thiết chế bảo tàng tỉnh; mong muốn Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tích cực nghiên cứu tham mưu cho tỉnh để sớm tìm địa điểm phù hợp, đề xuất phương án xây dựng công trình bảo tàng mới song song với xây dựng cơ sở dữ liệu và nội dung trưng bày. Bởi “bảo tàng lịch sử là thiết chế văn hóa đặc biệt quan trọng, giới thiệu toàn bộ lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội địa phương, giúp công chúng có cơ hội tiếp cận tìm hiểu, nghiên cứu, góp phần nâng cao dân trí, giáo dục truyền thống và lòng tự hào về lịch sử, văn hóa và con người địa phương”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng - Trưởng đoàn khảo sát nhấn mạnh.