Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo tồn di sản Huế
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Điều lệ này quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo tồn di sản Huế (sau đây gọi tắt là Quỹ).

2. Điều lệ này áp dụng đối với Quỹ bảo tồn di sản Huế và các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan đến tổ chức và hoạt động Quỹ bảo tồn di sản Huế.

Điều 2. Tên gọi, trụ sở của Quỹ

1. Tên gọi của Quỹ:

- Tên gọi tiếng Việt: Quỹ bảo tồn di sản Huế.

- Tên gọi tiếng Anh: Hue Heritage Conservation Fund.

2. Trụ sở chính đặt tại địa chỉ: Số 23, đường Tống Duy Tân, phường Đông Ba, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điều 3. Địa vị pháp lý, tư cách pháp nhân của Quỹ

1. Quỹ bảo tồn di sản Huế là Quỹ quốc gia do Chính phủ thành lập theo Nghị định số 84/2022/NĐ-CP ngày 20/10/2022 của Chính phủ về thành lập và quy chế hoạt động của Quỹ bảo tồn di sản Huế (sau đây viết tắt là Nghị định số 84/2022/NĐ-CP) và giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế trực tiếp quản lý, nhằm huy động nguồn lực để đầu tư cho trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế và đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách nhà nước bố trí kinh phí hoặc bố trí kinh phí chưa đủ.

2. Quỹ hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế; hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.

3. Quỹ có tư cách pháp nhân, con dấu riêng và được mở tài khoản tiền gửi đối với nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước tại Kho bạc Nhà nước và mở tài khoản tiền gửi đối với nguồn vốn của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tài trợ tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại theo quy định của pháp luật.

 

CHƯƠNG II

NHIỆM VỤ, TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA QUỸ

 

Điều 4. Nhiệm vụ của Quỹ

1. Tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài chính của Quỹ theo quy định.

2. Tài trợ cho các dự án, đầu tư cho trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế và đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách nhà nước đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ.

3. Thực hiện chế độ báo cáo, kế toán theo quy định tại Nghị định số 84/2022/NĐ-CP và các quy định pháp luật hiện hành.

4. Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

5. Công bố công khai về Quy chế hoạt động, kết quả hoạt động của Quỹ, báo cáo tình hình thực hiện Quỹ theo quy định của Nghị định số 84/2022/NĐ-CP và quy định pháp luật hiện hành.

6. Các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Trách nhiệm, quyền hạn của Quỹ

1. Trách nhiệm của Quỹ

a) Xây dựng kế hoạch tài chính hàng năm gồm: kế hoạch hoạt động, kế hoạch thu, kế hoạch chi tài chính gửi Sở Tài chính, Sở Văn hóa và Thể thao thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định.

b) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Xây dựng và các đơn vị, địa phương liên quan xây dựng danh mục và thông tin liên quan đến các công trình, hạng mục ưu tiên kêu gọi tài trợ hàng năm, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

c) Tổ chức công tác vận động kêu gọi tài trợ kinh phí hoạt động cho Quỹ.

d) Tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài chính của Quỹ theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 84/2022/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định pháp luật hiện hành.

đ) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Xây dựng và các đơn vị, địa phương liên quan xây dựng danh mục công trình ưu tiên sử dụng nguồn vốn huy động được của Quỹ hàng năm phù hợp với quy định tại Điều 8 Nghị định 84/2022/NĐ-CP; trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

e) Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các cơ quan đơn vị có sử dụng nguồn vốn từ Quỹ bảo tồn di sản Huế thực hiện quyết toán nguồn vốn sử dụng hàng năm và quyết toán công trình hoàn thành theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định số 84/2022/NĐ-CP của Chính phủ, quy định tại Quyết định này và quy định pháp luật hiện hành.

g) Lập báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán hàng năm theo quy định của pháp luật về tài chính, kế toán.

h) Quản lý, sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và pháp luật có liên quan.

i) Ban hành các quy trình hoạt động nghiệp vụ của Quỹ để phục vụ công tác điều hành hoạt động của Quỹ nếu xét thấy cần thiết.

k) Tuân thủ điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ theo quy định.

2. Quyền hạn của Quỹ:

a) Được quản lý, sử dụng nguồn vốn của Quỹ và tài sản được giao để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định số 84/2022/NĐ-CP và Điều lệ này.

b) Trực tiếp liên hệ, phối hợp với các địa phương, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để kêu gọi đóng góp, tài trợ, viện trợ nguồn vốn hoạt động cho Quỹ bảo tồn di sản Huế;

c) Trực tiếp đàm phán và ký kết hợp đồng tiếp nhận các khoản viện trợ, tài trợ với các địa phương, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, hợp tác.

d) Quyết định việc phân bổ vốn cho các công trình, hạng mục, dự án, bảo tồn và phát triển giá trị di sản Huế cụ thể vào từng thời điểm phù hợp với khả năng huy động vốn của Quỹ trong năm.

đ) Tổ chức điều hành hoạt động Quỹ theo quy định tại Nghị định số 84/2022/NĐ-CP của Chính phủ, Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ tại Quyết định này và quy định pháp luật hiện hành.

e) Bổ nhiệm, bố trí và sử dụng cán bộ của Quỹ theo quy định tại Nghị định số 84/2022/NĐ-CP của Chính phủ, Điều lệ này và quy định pháp luật hiện hành.

g) Được từ chối yêu cầu cung cấp thông tin hoặc sử dụng nguồn lực của Quỹ nếu yêu cầu đó trái với quy định của pháp luật.

h) Được pháp luật bảo vệ với tư cách là một pháp nhân trước mọi hành vi trái pháp luật gây tổn hại đến tài sản, quyền lợi và uy tín của Quỹ.

 

CHƯƠNG III

CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ CỦA QUỸ

Điều 6. Cơ cấu tổ chức và quản lý của Quỹ

Cơ cấu tổ chức của Quỹ gồm có:

1. Hội đồng quản lý Quỹ.

2. Cơ quan điều hành nghiệp vụ Quỹ.

Mục 1. Hội đồng quản lý Quỹ

Điều 7. Cơ cấu tổ chức của Hội đồng quản lý Quỹ

1. Hội đồng quản lý Quỹ có 05 thành viên, gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên, trong đó:

a) Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

b) Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ là Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

c) Các thành viên Hội đồng quản lý Quỹ gồm: Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư và Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao.

2. Các thành viên của Hội đồng quản lý Quỹ hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.

3. Hội đồng quản lý Quỹ làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số, trong trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo phía có biểu quyết của Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ. Hội đồng quản lý Quỹ họp định kỳ để xem xét và quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của mình. Hội đồng quản lý Quỹ họp bất thường để giải quyết các vấn đề cấp bách trong trường hợp cần thiết.

Các cuộc họp của Hội đồng quản lý Quỹ phải có ít nhất 2/3 tổng số thành viên Hội đồng tham dự. Nội dung và kết luận các cuộc họp Hội đồng quản lý Quỹ đều phải được ghi thành biên bản, nghị quyết (nếu cần) và được gửi đến tất cả các thành viên của Hội đồng quản lý Quỹ.

4. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý Quỹ bảo tồn di sản Huế được thực hiện theo thẩm quyền quy định tại Nghị định số 84/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Điều 8. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản lý; Chủ tịch, Phó Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản lý

1. Hội đồng quản lý Quỹ

a) Thông qua kế hoạch tài chính hàng năm của Quỹ để Cơ quan điều hành nghiệp vụ Quỹ trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

b) Thông qua danh mục công trình cần kêu gọi tài trợ hàng năm của Quỹ để Cơ quan điều hành nghiệp vụ Quỹ trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

c) Chịu trách nhiệm tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh kế hoạch cụ thể để huy động nguồn vốn hoạt động của Quỹ bảo tồn di sản Huế.

d) Có ý kiến để Quỹ bảo tồn di sản Huế ký kết hợp đồng tiếp nhận các khoản viện trợ, tài trợ với các địa phương, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

đ) Có ý kiến để Quỹ bảo tồn di sản Huế trong việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng có hiệu quả vốn của Quỹ theo đúng quy định của pháp luật và Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ.

e) Quyết định các nội dung chi cụ thể đối với nguồn vốn huy động được hàng năm phù hợp với quy định tại Điều 8 Nghị định số 84/2022/NĐ-CP và kế hoạch tài chính hàng năm đã được Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

g) Thông qua Báo cáo tài chính, Báo cáo quyết toán hàng năm của Quỹ để Cơ quan điều hành nghiệp vụ Quỹ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

h) Thông báo bằng văn bản đến các nhà tài trợ về kết quả sử dụng nguồn kinh phí tiếp nhận được.

i) Ban hành các quy chế hoạt động và nghiệp vụ của Quỹ để phục vụ công tác điều hành Quỹ theo yêu cầu thực tế phát sinh.

k) Giám sát, kiểm tra bộ máy điều hành của Quỹ trong việc chấp hành các chế độ chính sách và pháp luật và việc thực hiện các quyết định của Hội đồng quản lý.

l) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ

a) Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng quản lý Quỹ theo quy định tại Điều lệ này.

b) Triệu tập và chủ trì cuộc họp Hội đồng quản lý Quỹ hoặc lấy ý kiến các thành viên Hội đồng quản lý Quỹ.

c) Thay mặt Hội đồng quản lý Quỹ ký các văn bản thuộc thẩm quyền quản lý.

d) Tổ chức theo dõi và giám sát việc thực hiện các nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản lý Quỹ; có quyền thay mặt Hội đồng quản lý Quỹ đình chỉ các quyết định của Giám đốc Quỹ nếu trái với nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản lý Quỹ.

đ) Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ ủy quyền bằng văn bản cho một trong số các thành viên Hội đồng quản lý Quỹ thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ khi Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ vắng mặt. Người được ủy quyền chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ về các công việc được ủy quyền.

e) Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ được sử dụng con dấu của Ủy ban nhân dân tỉnh để điều hành các hoạt động của Hội đồng.

g) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo Điều lệ này và quy định pháp luật hiện hành.

3. Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ

a) Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng quản lý Quỹ theo quy định tại Điều lệ này theo sự phân công của Hội đồng quản lý.

b) Tham dự họp thảo luận, kiến nghị, biểu quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản lý Quỹ.

c) Thay mặt Hội đồng quản lý Quỹ ký các văn bản thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản lý Quỹ theo phân công của Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ.

d) Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ được sử dụng con dấu của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế để điều hành các hoạt động của Hội đồng.

đ) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo Điều lệ này và quy định pháp luật hiện hành.

4. Các thành viên Hội đồng quản lý Quỹ

a) Tham dự họp thảo luận, kiến nghị, biểu quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản lý Quỹ.

b) Thay mặt Hội đồng quản lý Quỹ ký các văn bản thuộc thẩm quyền quản lý theo phân công.

c) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo Điều lệ này và quy định pháp luật hiện hành.

Mục 2. Cơ quan điều hành nghiệp vụ Quỹ

Điều 9. Giám đốc Quỹ

1. Giám đốc là người đại diện theo pháp luật của Quỹ bảo tồn di sản Huế, trực tiếp điều hành hoạt động của Quỹ theo quy định tại Nghị định số 84/2022/NĐ-CP, quy định tại Điều lệ này và quy định pháp luật hiện hành; Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội đồng Quản lý Quỹ và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động nghiệp vụ của Quỹ.

2. Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm Giám đốc Quỹ bảo tồn di sản Huế được thực hiện theo thẩm quyền quy định tại Điều 6 Nghị định số 84/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Giám đốc Quỹ:

a) Tổ chức điều hành hoạt động của Quỹ theo quy định tại Nghị định số 84/2022/NĐ-CP, Điều lệ này và quy định pháp luật hiện hành.

b) Xây dựng kế hoạch tài chính hàng năm gồm: kế hoạch hoạt động, kế hoạch thu chi tài chính trình Hội đồng quản lý Quỹ thông qua.

c) Xây dựng danh mục các công trình, hạng mục ưu tiên kêu gọi tài trợ hàng năm, dự thảo thư kêu gọi tài trợ để trình Hội đồng quản lý Quỹ thông qua.

d) Trực tiếp đàm phán với các địa phương, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để soạn thảo nội dung Hợp đồng tiếp nhận các khoản đóng góp, tài trợ, viện trợ trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi theo đúng pháp luật Việt Nam để trình Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ ký kết hợp đồng với bên tài trợ.

đ) Tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn tài trợ theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 84/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

e) Xây dựng danh mục công trình ưu tiên phân bổ nguồn vốn huy động được của Quỹ hàng năm phù hợp với quy định tại Điều 8 Nghị định số 84/2022/NĐ-CP.

g) Trình Hội đồng quản lý Quỹ quyết định các nội dung chi cụ thể đối với nguồn vốn huy động được hàng năm phù hợp với quy định tại Điều 8 Nghị định số 84/2022/NĐ-CP và kế hoạch tài chính hàng năm đã được Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

h) Thực hiện quyết toán dự án hoàn thành đối với các dự án, công trình sử dụng nguồn vốn không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước theo quy định.

i) Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm đối với các chức danh của cán bộ nghiệp vụ Quỹ theo quy định tại Điều lệ này sau khi có ý kiến thống nhất của Hội đồng quản lý Quỹ.

k) Trực tiếp quản lý tài sản, vốn hoạt động và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình trước Ủy ban nhân dân tỉnh và Hội đồng quản lý theo quy định của pháp luật và Điều lệ này.

l) Trình Hội đồng quản lý Quỹ ban hành các quy chế hoạt động nghiệp vụ của Quỹ theo thẩm quyền.

m) Thực hiện các quyền hạn, nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Hội đồng quản lý và Điều lệ này.

Điều 10. Phó Giám đốc Quỹ

1. Phó Giám đốc Quỹ có nhiệm vụ tham mưu Giám đốc Quỹ trong việc điều hành hoạt động của Quỹ, thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn do Giám đốc giao phù hợp với Điều lệ này; chịu trách nhiệm trước Giám đốc về nhiệm vụ và quyền hạn được giao.

2. Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm đối với Phó Giám đốc Quỹ thực hiện theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 84/2022/NĐ-CP.

Điều 11. Kế toán trưởng

1. Kế toán trưởng có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác kế toán của Quỹ, giúp Hội đồng quản lý và Giám đốc Quỹ giám sát tài chính tại Quỹ theo quy định của pháp luật về tài chính, kế toán; chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản lý, Giám đốc quỹ và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân công hoặc uỷ quyền, thực hiện các chức năng và nhiệm vụ khác được quy định theo Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Kế toán.

2. Tiêu chuẩn, điều kiện được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Kế toán trưởng

Thực hiện theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán và các văn bản quy định hiện hành.

3. Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm đối với Kế toán trưởng thực hiện theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 84/2022/NĐ-CP.

Điều 12. Bộ máy giúp việc

1. Cán bộ nghiệp vụ của Quỹ hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm được cử từ các cơ quan đơn vị: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Văn hóa và Thể thao.

2. Số lượng cán bộ nghiệp vụ, nhân viên Quỹ không quá 10 người.

3. Số lượng cán bộ tham gia bộ máy giúp việc cụ thể trong từng thời kỳ do Giám đốc Quỹ quyết định để phù hợp với khối lượng công việc của Quỹ sau khi có ý kiến chấp thuận của Hội đồng quản lý Quỹ.

Điều 13. Kinh phí hoạt động của Quỹ

          Kinh phí chi hoạt động thường xuyên của Quỹ được sử dụng từ nguồn ngân sách tỉnh bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế; nguồn thu sự nghiệp của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và nguồn thu hợp pháp khác của Quỹ bảo tồn di sản Huế (nếu có).

 

Chương IV

QUY TRÌNH HUY ĐỘNG VÀ PHÂN BỔ NGUỒN KINH PHÍ

Điều 14. Quy trình huy động nguồn kinh phí

1. Quỹ được huy động và tiếp nhận các nguồn tài chính theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 84/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

2. Quy trình huy động nguồn kinh phí:

a) Hàng năm, Hội đồng quản lý Quỹ rà soát, đánh giá lại hiện trạng các di sản văn hoá Huế để công bố công khai danh mục và nhu cầu vốn đầu tư của các công trình, hạng mục cần trùng tu, bảo tồn và phát triển giá trị di sản Huế chưa được đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ theo thứ tự ưu tiên trình Ủy ban nhân dân tỉnh kêu gọi tài trợ từ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

b) Sau khi danh mục được phê duyệt, Quỹ có trách nhiệm tổ chức công tác vận động, dự thảo thư kêu gọi tài trợ và các thông tin về các công trình, dự án kêu gọi tài trợ để gửi đến các đối tượng hữu quan khi có yêu cầu.

c) Tổ chức công tác vận động nguồn kinh phí hoạt động cho Quỹ, theo dõi và có giải pháp kịp thời nhằm thực hiện tốt công tác vận động kinh phí cho Quỹ.

Điều 15. Quy trình phân bổ kinh phí

Căn cứ danh mục công trình ưu tiên phân bổ vốn hàng năm đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và khả năng huy động vốn cụ thể phát sinh trong năm, Hội đồng quản lý Quỹ quyết định phân bổ kinh phí cho từng công trình dự án cho phù hợp, trong đó:

1. Đối với nguồn kinh phí có nguồn gốc ngân sách nhà nước, việc quản lý, sử dụng phải tuân thủ các quy định của nhà nước hiện hành về đầu tư xây dựng, đầu tư công và ngân sách nhà nước.

2. Đối với nguồn vốn không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, quá trình phân bổ, quản lý và sử dụng thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư, xây dựng và theo yêu cầu của nhà tài trợ (nếu có).

Điều 16. Phê duyệt dự toán và quyết toán hàng năm của Quỹ

1. Việc xây dựng và trình phê duyệt dự toán và quyết toán thu chi của Quỹ hàng năm thực hiện theo quy định tại Điều 9, Điều 10 của Nghị định số 84/2022/NĐ-CP.

2. Về ghi thu, ghi chi ngân sách nhà nước đối với các khoản thu có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước:

Quỹ chịu trách nhiệm theo dõi, quản lý thu chi của Quỹ chi tiết theo từng nguồn vốn huy động (nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn khác); đồng thời với chứng từ cấp phát kinh phí cho các chủ đầu tư, Quỹ bảo tồn di sản Huế có trách nhiệm lập chứng từ ghi thu, ghi chi ngân sách nhà nước đối với các khoản chi có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước gửi Kho bạc Nhà nước tỉnh để hạch toán vào ngân sách nhà nước theo quy định.

3. Về quyết toán dự án hoàn thành

Việc quyết toán dự án hoàn thành theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định số 84/2022/NĐ-CP trong đó:

a) Đối với các dự án sử dụng một phần hoặc toàn bộ nguồn vốn có nguồn gốc ngân sách nhà nước, Sở Tài chính chịu trách nhiệm quyết toán dự án hoàn thành theo quy định của pháp luật hiện hành.

b) Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, Quỹ bảo tồn di sản Huế phối hợp với nhà tài trợ (theo thỏa thuận tại hợp đồng tài trợ vốn) chịu trách nhiệm quyết toán dự án hoàn thành theo quy định của pháp luật hiện hành.

4. Về quyết toán chi phí hoạt động thường xuyên của Quỹ

a) Định mức chi, hồ sơ nghiệm thu thanh toán đối với các khoản chi phục vụ hoạt động thường xuyên của Quỹ (chi hội họp, công tác phí, văn phòng phẩm, dịch vụ công, thuê mướn…) được thực hiện theo quy định của Nhà nước hiện hành áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc tỉnh.

b) Mức phụ cấp cho cán bộ của Quỹ: các thành viên Hội đồng quản lý Quỹ được hưởng mức phụ cấp hàng tháng tối đa không quá 0.8 lần mức lương cơ sở của nhà nước; các cán bộ thuộc cơ quan điều hành nghiệp vụ Quỹ được hưởng phụ cấp hàng tháng tối đa không quá 0.6 lần mức lương cơ sở của nhà nước.

 

CHƯƠNG V

CHẾ ĐỘ TÀI CHÍNH, KẾ TOÁN,  KIỂM TOÁN, BÁO CÁO, GIÁM SÁT

Điều 17. Chế độ tài chính, kế toán và kiểm toán

1. Chế độ tài chính, kế toán và kiểm toán, báo cáo, phê duyệt dự toán, quyết toán của Quỹ thực hiện theo quy định tại Điều 9, Điều 10 Nghị định số 84/2022/NĐ-CP, các quy định do Bộ Tài chính ban hành và quy định tại Điều lệ này.

2. Hàng năm, báo cáo tài chính của Quỹ phải được kiểm toán bởi một tổ chức kiểm toán độc lập được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.

3. Năm tài chính của Quỹ bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 dương lịch hàng năm.

4. Kết thúc năm, Cơ quan điều hành nghiệp vụ Quỹ có trách nhiệm lập báo cáo quyết toán thu, chi của Quỹ theo biểu mẫu của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định gửi Sở Tài chính, Sở Văn hóa và Thể thao để trình Ủy ban nhân dân tỉnh trong quý I năm sau.

Điều 18. Chế độ báo cáo

1. Quỹ lập báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán, theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

2. Quỹ chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các báo cáo này.

Điều 19. Kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và giám sát hoạt động

1. Quỹ chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán của các cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo kiểm tra, giám sát hoạt động của Quỹ theo quy định của pháp luật.

 

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 20. Tổ chức thực hiện

1. Các nội dung khác không quy định tại Điều lệ này được thực hiện theo Nghị định số 84/2022/NĐ-CP và quy định pháp luật hiện hành..

2. Điều lệ này là cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Quỹ. Hội đồng Quản lý Quỹ, cơ quan điều hành nghiệp vụ Quỹ và các cá nhân, tổ chức, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Điều lệ này.

3. Trong quá trình thực hiện, Hội đồng Quản lý Quỹ, cơ quan điều hành nghiệp vụ Quỹ có trách nhiệm tổng kết hoạt động, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động cho phù hợp với tình hình thực tế và các quy định của pháp luật./.

Tập tin đính kèm
STT Tên tập tin Tải về
1 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo tồn di sản Huế () file_download Tải về