Mới đây, Quỹ bảo tồn di sản Huế được Quốc hội thông qua, là cơ hội để Thừa Thiên - Huế linh hoạt trong việc “cứu” các di sản quốc gia.
Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển một số địa phương, trong đó có Thừa Thiên - Huế. Cho phép thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế để bổ sung nguồn lực phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa. Quỹ được Chính phủ thành lập, và giao cho tỉnh Thừa Thiên - Huế trực tiếp quản lý.
Quỹ được tiếp nhận từ nguồn ngân sách nhà nước của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hỗ trợ. Nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn thu hợp pháp khác. Không sử dụng ngân sách của tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Nguồn thu của quỹ chỉ dùng để đầu tư cho trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế và đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách nhà nước đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ.
Có thể nói đây là tín hiệu đáng mừng, thể hiện sự quan tâm kịp thời của Đảng và Nhà nước đối với di sản. Chuyện vui không chỉ đối với Huế, mà với phạm vi cả nước. Bởi Huế không chỉ là cố đô với nhiều di tích quan trọng với quốc gia mà còn là dấu ấn lịch sử mang tầm thế giới.
Từ trước đến nay, di sản cố đô Huế phải đối mặt với quá nhiều biến cố: Chiến tranh, thiên tai, con người. Nhiều di tích đã không còn được nguyên vẹn, không được bảo tồn theo đúng tính chất và mức độ cần thiết.
Nguyên nhân lớn nhất chính là kinh phí. Khi di tích cần trùng tu thì không có vốn. Đến khi có vốn thì phải qua hàng trăm bước, từ đề xuất, xin ý kiến, khảo sát, kiểm kê, ra phương án, phê duyệt, họp hội đồng… và tiến hành trùng tu - khi di tích đã hoang hoá, rơi rụng.
Trước đây, có rất nhiều địa phương muốn ủng hộ kinh phí giúp Huế trong việc trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa. Nhưng theo quy định của Luật ngân sách, không được dùng ngân sách cấp mình quản lý để hỗ trợ cho ngân sách tỉnh khác. Bởi vậy, Huế phải chối từ ý tốt của các địa phương.
Hay như việc mua lại cổ vật cố đô Huế đang lưu lạc ở nước ngoài. Nếu theo cơ chế cũ, rất khó thực hiện vì sự phức tạp, loằng ngoằng trong thủ tục hành chính. Huế không thể vừa tham gia đấu giá cổ vật ở nước ngoài, vừa gọi điện xin ý kiến các cơ quan để phê duyệt giá.
Quỹ bảo tồn di sản Huế với cơ chế vận hành linh hoạt, chắc chắn sẽ làm tốt chức năng bảo tồn cũng như giải quyết các việc cấp bách trong lĩnh vực di sản văn hoá. Tuy nhiên, để đảm bảo các quy định và minh bạch, Huế cần một hội đồng chuyên môn để vận hành hiệu quả nguồn quỹ này.
Di tích nào cũng vậy, luôn phải “chạy đua” với thời gian và sự bào mòn khủng khiếp của thời tiết. Nếu không kịp thời, rất có thể sẽ không “cứu” nổi di sản.
Nhưng di sản ở nước ta, thì tỉnh thành nào cũng có, và cấp thiết bảo tồn. Hi vọng trong tương lai, quỹ bảo tồn di sản sẽ trở thành cơ chế chung để di sản văn hoá còn mãi với thời gian.